Đề án "Di sản đương đại Mang Thít"

Đề án "Di sản đương đại Mang Thít"

Ngày đăng: 13/02/2024 03:22 PM

     

     

     

    Huyện Mang Thít từng được mệnh danh là "Vương quốc gạch, gốm" bởi đây là nơi sản xuất gạch, gốm lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hệ thống lò gạch, gốm Mang Thít có tuổi đời hàng trăm năm, được biết đến là nơi sản xuất gạch, gốm đỏ nổi tiếng và lớn nhất cả nước, xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Tỉnh Vĩnh Long và huyện Mang Thít đang tôn tạo và gìn giữ để hướng nơi đây trở thành di sản đương đại. Đề án “Di sản đương đại Mang Thít” được hình thành dựa trên ý tưởng về việc khai thác các lò gạch truyền thống hiện có trên địa bàn huyện Mang Thít làm nền tảng, điểm nhấn để phát triển du lịch, cũng như bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng.

    Thời điểm năm 2010, toàn huyện có 06 làng nghề sản xuất gạch gốm (02 làng nghề truyền thống sản xuất gạch - gốm, 04 làng nghề sản xuất gạch - ngói), 06 tuyến quy hoạch sản xuất gạch ngói, có tổng số 1.057 cơ sở sản xuất gạch ngói với 2.064 lò tròn truyền thống hoạt động và 40 doanh nghiệp sản xuất gốm với 421 lò nung. Sản xuất gạch - gốm không những là thế mạnh của vùng, giải quyết việc làm cho phần lớn lao động tại địa phương mà còn đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế của huyện nhà. Không chỉ mang giá trị về kinh tế, hình ảnh những lò gạch nằm san sát nhau, nhìn từ xa giống như một “vương quốc” với hàng trăm "tòa lâu đài" nhỏ được bố trí dọc theo tuyến Kênh Thầy Cai và tỏa ra các vùng phụ cận tạo nên một bức tranh đa sắc màu tại vùng quê mộc mạc, yên bình. Lò nung gạch truyền thống là kho báu của một di sản về phương thức sản xuất và công cụ sản xuất có sự kết hợp giao thoa văn hóa Khmer, Kinh và Hoa để hun đúc tạo ra khối di sản kiến trúc cùng nghề truyền thống hết sức độc đáo có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, dịch vụ.