|
Trong những năm gần đây, do nguồn nguyên liệu sản xuất ngày càng cạn kiệt, chi phí sản xuất tăng, sản phẩm làm ra giá thành cao, khó tiêu thụ… và thực hiện theo Quyết định số 1830/QĐ-UBND, ngày 08/11/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long về việc ban hành Kế hoạch phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 và lộ trình thay thế lò nung gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long nên nhiều doanh nghiệp, cơ sở ngưng hoạt động và hoạt động cầm chừng. Tính đến nay, trên địa bàn huyện còn 61 cơ sở gạch - gốm với 64 miệng lò vẫn còn hoạt động, một số cơ sở phá bỏ lò gạch truyền thống để chuyển sang ngành nghề khác, số còn lại có nguy cơ bị dỡ bỏ hoặc hư hỏng. Sản xuất gạch - gốm không còn rầm rộ như trước, nhiều lao động bỏ địa phương và tìm đến các khu công nghiệp ở địa bàn khác, làng nghề truyền thống đứng trước nguy cơ mai một và lụi tàn...
Thời điểm năm 2010, toàn huyện có 06 làng nghề sản xuất gạch gốm (02 làng nghề truyền thống sản xuất gạch - gốm, 04 làng nghề sản xuất gạch - ngói), 06 tuyến quy hoạch sản xuất gạch ngói, có tổng số 1.057 cơ sở sản xuất gạch ngói với 2.064 lò tròn truyền thống hoạt động và 40 doanh nghiệp sản xuất gốm với 421 lò nung. Sản xuất gạch - gốm không những là thế mạnh của vùng, giải quyết việc làm cho phần lớn lao động tại địa phương mà còn đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế của huyện nhà. Không chỉ mang giá trị về kinh tế, hình ảnh những lò gạch nằm san sát nhau, nhìn từ xa giống như một “vương quốc” với hàng trăm "tòa lâu đài" nhỏ được bố trí dọc theo tuyến Kênh Thầy Cai và tỏa ra các vùng phụ cận tạo nên một bức tranh đa sắc màu tại vùng quê mộc mạc, yên bình. Lò nung gạch truyền thống là kho báu của một di sản về phương thức sản xuất và công cụ sản xuất có sự kết hợp giao thoa văn hóa Khmer, Kinh và Hoa để hun đúc tạo ra khối di sản kiến trúc cùng nghề truyền thống hết sức độc đáo có tiềm năng lớn để phát triển du lịch, dịch vụ. Trước tình hình đó, Đề án “Di sản đương đại Mang Thít” được xây dựng dựa trên ý tưởng về việc khai thác các lò gạch truyền thống hiện có trên địa bàn huyện Mang Thít làm nền tảng, điểm nhấn để phát triển du lịch, cũng như bảo tồn các giá trị văn hoá truyền thống của cộng đồng. Mục tiêu của Đề án này nhằm bảo vệ và phát triển "Vương quốc gạch”Mang Thít trở thành một quần thể Di sản đương đại, một điểm đến trên bản đồ du lịch khu vực, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững về kinh tế, xã hội của địa phương trên cơ sở bảo tồn và phát huy các giá trị di sản, văn hóa độc đáo mà các thế hệ trước để lại, đồng thời giúp người dân trong vùng chuyển đổi sinh kế, nâng cao đời sống, góp phần phát triển ngành du lịch, dịch vụ tạo đà cho Mang Thít đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Việc làm cần thiết và cấp bách trước mắt là cần có kế hoạch cụ thể cho việc ngừng tháo dỡ các lò gạch nằm trong khu quy hoạch thực hiện đề án, xây dựng quy hoạch bài bản cho khu vực nhằm làm tiền đề cho các dự án đầu tư khả thi tiếp theo. Nhiều hội thảo khoa học đóng góp ý tưởng cho việc triển khai đề án di sản dương đại Mang Thít đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng các đơn vị có liên quan tổ chức, quảng bá rộng rãi và đã nhận được sự đồng thuận rất cao của người dân trong khu vực. Chính vì thế, tại kỳ họp lần thứ 5, Hội đồng Nhân dân tỉnh Vĩnh Long khóa X đã ban hành nghị quyết số 44/2022/NQ-HĐND qui định chính sách hỗ trợ đặc thù bảo tồn lò gạch, gốm thực hiện đề án di sản dương đại Mang Thít - tỉnh Vĩnh Long. Nghị quyết đã qui định cụ thể về định mức và thời gian hỗ trợ đối với từng loại lò truyền thống, đây không chỉ là cơ sở vững chắc mà còn là động lực vững mạnh để người dân đồng thuận, tin tưởng vào chủ trương của các cấp lãnh đạo bởi đề án đã đi vào khởi động. Với hy vọng sự vào cuộc quyết liệt của các ngành các cấp, cộng đồng người dân và các nhà đầu tư để Đề án “Di sản đương đại Mang Thít” được hoàn thành, qua đó sẽ chuyển đổi công năng của các lò gạch truyền thống trở thành những cảnh quan lạ mắt, sáng tạo để thu hút du khách du lịch tham gia trải nghiệm văn hóa, tìm hiểu về một nghề thủ công truyền thống, từ đó tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân góp phần thay đổi diện mạo của quê hương Mang Thít theo hướng năng động và phát triển. |